Từ
hồi bé tẹo (1976), mình nhớ có dịp gặp và cùng bạn bè trò chuyện với Anh hùng
Núp tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội). Mình chỉ nhớ được rằng, ông có dáng
người thấp đậm, chắc nịch; da sẫm màu và nói tiếng Kinh lơ lớ. Ông không có
chút nào giống với hình vẽ ở bài học "Bắn Pháp chảy máu" trong sách
Tập Đọc mà mình từng đọc gần như thuộc làu. Thế nhưng, chỉ cần thoạt trông, ông
đúng là con người "tốt
bụng, hiền lành, dễ gần, dễ mến" như trong bài
viết dưới đây.
Theo
giấy tờ, Anh hùng Núp sinh năm 1914 và đến tháng 7/ 2012 là 13 năm kể từ ngày ông mất. Những người dân của tỉnh Gia Lai còn nhớ mãi
tang lễ ông, một đám tang đông đúc lạ thường, nếu không muốn nói là kỷ lục về
số người đi đưa. Có lẽ, chỉ cần nêu lại con số 178 vòng hoa viếng thôi cũng đã
thấy sự ngưỡng mộ, thương tiếc của người đời đối với ông sâu nặng như thế nào.
Anh hùng Núp là huyền thoại giữa đời thường nên sinh thời, xung quanh ông có rất nhiều câu chuyện lý thú. Lạ lùng là trong hàng trăm câu chuyện đủ loại ấy, tuyệt không một ai kể… xấu về ông. Ai cũng khen ông tốt bụng, hiền lành, dễ gần, dễ mến. Hẳn nhiên không phải vì ông là anh hùng, đơn giản là vì, ông vĩ đại cả trong kháng Pháp lẫn sau này, nhất là trong cuộc sống đời thường. Ông Ngô Thành- một cán bộ lão thành cách mạng, người từng có thời gian khá dài sống cùng Anh hùng Núp trong chiến khu, trước 1975 đã nói rằng, ông Núp là người hoàn hảo; ông Núp không phải là “người anh hùng của khoảnh khắc”. Không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà trong nếp sinh hoạt hàng ngày, Núp cũng hết sức gương mẫu. Ông Ngô Thành kể lại những kỷ niệm thời sống cùng Anh hùng Núp trong một cơ quan nơi thị trấn Dân Chủ (Kbang), chuyện anh Núp lao động sản xuất hăng hái, chuyện về tính cách cứng rắn trong nhiều việc của ông nhưng khi hay tin Bác Hồ mất, người anh hùng ấy đã không cầm được nước mắt. Thương nhớ Bác, từ núi rừng Tây Nguyên xa xôi, Anh hùng Núp đã để mặc cho râu tóc mình mọc dài trong suốt một trăm ngày, theo tục của đồng bào Bahnar.
Ngay cả khi không một tấc sắt trong tay, Núp đã anh dũng cùng cộng đồng kiên cường đánh Pháp giữ làng. Có thể nói rằng, suốt cả đời ông, không có mục đích nào tối thượng hơn là bảo vệ sự bình an cho dân làng, no ấm cho mọi người. Vì cách mạng, ông từng được trao giữ một số trọng trách trong hàng ngũ những người lãnh đạo các cấp. Bằng ý chí và nghị lực, Núp đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Nhưng theo những người biết chuyện thì giữa chức vụ đi liền với những cuộc họp và được xuống làng, được chan hòa cùng dân làng, dường như ông Núp thích vế thứ hai hơn. Điều này được thể hiện ngày càng rõ hơn, khi đất nước hòa bình, sự đi về làng trở nên dễ dàng hơn đối với ông. Làng, rừng đã trở thành máu thịt trong ông từ rất sớm. Nhà văn Nguyên Ngọc từng kể rằng sau 1954, khi ở Hà Nội, Núp bị mắc chứng bệnh khó thở, mờ mắt. Bao nhiêu bác sĩ giỏi đều bó tay. Sau này, người ta mới biết, ông bị bệnh… thiếu rừng, thiếu lửa. Núp như ngọn gió, Nguyên Ngọc nhận xét như vậy về cái sự hay đi về làng của Anh hùng Núp.
Những năm cuối đời, ông Núp được chăm sóc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Không còn phải giữ chức vụ nào chính thức nhưng như vậy không có nghĩa là ông được nhàn hạ, rảnh rang. Còn nhớ những năm tháng ấy, ai đến Gia Lai cũng nằng nặc đòi thăm Anh hùng Núp cho bằng được, dù thời gian có eo hẹp đến đâu. Thế nên, gần như suốt cả đêm ngày, ông Núp phải tiếp khách, phải cười để người đến thăm chụp hình chung, bắt tay và… cười. Không cần kể thêm, hẳn nhiều người còn nhớ, khi về già, râu tóc bạc phơ, cộng thêm nụ cười hiền lành ấy nữa, nhìn từ xa, Anh hùng Núp hệt như một tiên ông giữa trần. Một hình ảnh đẹp khó lòng lặp lại!
Anh hùng Núp đã đi xa, một vị “già làng Tây Nguyên” thực thụ đã không còn nữa. Nhưng có lẽ, mãi mãi sẽ chẳng ai quên ông, một con người anh hùng hết mực mà cũng hiền hậu, bao dung đến lạ kỳ.
Phỏng
theo Nguyễn Quang Tuệ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét