Nằm ở toạ
độ 22026' vĩ độ Bắc và 103001' kinh độ Đông, ngã ba
biên giới A Pa Chải là địa danh miền núi xa nhất phía Tây Bắc đất nước, nơi có
cột mốc số 0, phân chia ranh giới giữa 3 nước Việt Nam- Trung Quốc- Lào.
Nhiều
người có được niềm cảm xúc xen lẫn tự hào khi được chạm vào cột mốc số 0 (người
ta hay gọi thế nhưng thực ra đây là cột mốc 3 mặt và không ghi số). Trên một
mặt có hình Quốc huy mang dòng chữ “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ”.
Đó là vào ngày 16/ 3/ 2012, sau khi
tham dự một hội thảo ở thành phố Điện Biên, đang định quay trở về Nghệ An thì
có một nhóm bạn "tự dưng" hỏi một câu rất hay rằng, có muốn du xuân
Tây Bắc với họ không?- đương nhiên là gật. Mục tiêu trước mắt là đi đến A Pa
Chải, bởi hầu như cả hội đều được nghe danh nhưng chưa đến đấy bao giờ… Với
lại, chiếc xe con 7 chỗ ngồi mà ngự thêm cặp mông khiêm tốn của mình vào đó
cũng chỉ mới chiếm hết 5 chỗ, thật là quá ư rộng rãi.
Khởi hành
ngay từ chiều hôm đó nên cả hội phải nghỉ đêm ở thị trấn Mường Chà. Sáng dậy,
đi liên tục đến xế chiều mới "cập bến" Mường Nhé. Khi đến được đồn
biên phòng A Pa Chải thì đã tầm 4 giờ chiều. Theo lời của các chiến sĩ biên
phòng Đồn 317 A Pa Chải, phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ nữa mới lên đến cột mốc
số 0. Vì đang có kế hoạch phải quay lại thị trấn Mường Nhé nên cả hội đành phải
"ngậm ngùi" chấp nhận phương án đi thăm cột mốc số 2 và số 3 gần
đấy.
Hiện A Pa
Chải đã có đường nhựa gần đến nơi. Đầu tư của Nhà nước, cùng với sự giúp đỡ có
các anh bộ đội biên phòng 317 đứng chân trên địa bàn, cuộc sống của hơn 350 hộ
dân người Hà Nhì của 11 bản thuộc 2 xã biên giới Sín Thầu và Sen Thượng cũng đã
có nhiều đổi thay. Từ khi ngã ba biên giới này có lối mở A Pa Chải - Long Phú
thông thương với nước bạn Trung Quốc, cư dân 2 bên có nhiều điều kiện qua lại
buôn bán hàng hoá, thăm thân, rồi khách du lịch lên với A Pa Chải nhiều hơn. Vì
thế, bên cạnh nhiệm vụ quản lý bảo vệ đoạn biên giới gần 60km với nước bạn Lào
và Trung Quốc, nhiệm vụ của các chiến sỹ biên phòng lại tăng thêm; làm sao vừa
quản lý tốt an ninh biên giới, vừa tạo điều kiện cho khách du lịch, đặc biệt là
các bạn trẻ thêm hiểu về A Pa Chải, có được cảm xúc thực về chủ quyền biên giới
thiêng liêng.
Trên đường
quay trở lại thị trấn Mường Nhé, mình cứ nhớ mãi lời tâm sự của một chiến sĩ
biên phòng: "Mình là dân Hà Nội, từ nhỏ đến khi học xong phổ thông trung
học chỉ biết có phố phường Hà Nội. Vậy mà bây giờ thành chiến sĩ biên phòng
rồi, có những lúc làm nhiệm vụ một mình trong đêm tối giữa núi rừng biên giới
mông lung, cảm giác thật là khó tả…". Anh cho biết, lúc đó cảm nhận về
hình ảnh Tổ Quốc trở nên rõ ràng và cụ thể hơn bao giờ hết…
Dù bỏ lỡ mất cột mốc số 0, nhưng rốt cuộc mình đã đến được với A Pa Chải, được nhìn ngắm những cánh rừng xanh trập trùng trong mây; và được thấy tận mắt cái lằn ranh xác định chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét