Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Lên với Điện Biên




Ai một lần ngược ngàn lên Tây Bắc, suốt bốn mùa xuân, hạ, thu đông,... dừng chân tại mảnh đất Điện Biên lúc lãng đãng sương giăng, lúc huyền bí trăng vàng hay lúc trời xanh, cao đến nao lòng thì ta sẽ thấy Điện Biên khoác trên mình một sắc màu tươi mới, ngập tràn trong không khí chan hoà, nồng hậu. Nằm ở phía tây bắc của tổ quốc, có núi non bao bọc taọ thành một vùng lòng chảo rộng lớn điều kiện tự nhiên thuận lợi đã làm cho Điện Biên có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên rất kỳ vĩ. Cánh đồng Mường Thanh trải một màu xanh no ấm, những bản làng trù phú, những con suối ngày đêm bồi đắp phù sa.

Điện Biên xưa, là một vùng đất huyền thoại, lịch sử  gắn với truyền thuyết về động Pa Thơm, hồ U Va, dãy Khau Cát, pú Tạo Nòn, pú Nang Non, di tích lịch sử như: thành Tam Vạn, thành Bản Phủ… Còn ngày nay, thành phố Điện Biện Phủ đã được quy hoạch thành một thành phố du lịch gắn liền với lĩnh vực văn hoá, lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ: Mường Phăng, Đường Kéo Pháo, Tượng đài Chiến thắng; các cứ điểm Him Lam, Bản kéo, Độc lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Đờ Cát). Chính vì vậy,  Điện Biên có vị trí chiến lược rất quan trọng, qua nhiều thời kỳ lịch sử còn để lại những di tích có giá trị nhân văn sâu sắc. Mùa xuân đến Điện Biên trong miên man, trong trắng muốt pha chút tím nhẹ của màu ban, trong ngan ngát thơm của hương ban ta sẽ được nghe câu chuyện về “Nàng Ban” và “Chàng Khun” gắn liền với sự tích cây hoa Ban và loài chim Khun, loài chim chỉ cất tiếng khắc khoải vào mùa hoa ban để rung động đến tận tâm can khi nghe hai câu thơ:

“Lá Ban ơi, sao chẳng tách làm đôi
Cứ lăng líu một hình tim chia nửa”.
Và ta hiểu hơn vì sao hoa ban lại trở thành biểu tượng trong cuộc sống văn hoá tinh thần và văn hoá tâm linh Thái, ta hiểu hơn vì sao hoa ban lại là trở thành niềm tự hào, biểu tượng của tình yêu chung thuỷ sắt son của những chàng trai, cô gái Thái. Không những thế chúng ta còn được thưởng thức những món ẩm thực hấp dẫn từ: hoa, lá ban.

Vs Prof Trần Trí Dõi




Vs Prof Đoàn Thiện Thuật


Song có lẽ, dấu ấn không phai mờ trong mỗi chúng ta là một vùng đất đậm đà bản sắc với một kho tàng văn hoá vật thể, phi vật thể đồ sộ.
 Bởi nó có xuất phát điểm từ một không gian văn hóa chủ đạo: Không gian văn hoá Thái. Từ mái nhà sàn khum khum hình mui rùa với những bậc cầu thang ngập ngừng nhung nhớ, đã bao đêm bập bùng ánh lửa, chứng kiến bao mùa hội từ thuở hồng hoang về xứ này. Trong ngôi nhà ấy, lúc nông nhàn, chị em đưa thoi dệt vải thổ cẩm. Rất nhiều khăn piêu, váy, áo, túi xách… thêu hoa văn tinh xảo bán tại các chợ, điểm du lịch do chính bàn tay khéo léo của các chị, em Thái Điện Biên làm ra.

Không những thế đến Điện Biên các bạn còn được thưởng thức món ăn tưởng như đơn giản nhưng thật ra lại rất độc đáo bởi gia vị, nguyên liệu mà để càng lâu lại càng thơm, ngon và quý như các món: pa mẳm, pa sổm (cá mắm, cá chua); nhứa mẳm, nhứa sổm (thịt mắm, thịt chua); nhứa dảng, pa dảng (thịt sấy, cá sấy) đó là một số món được chế biến kỳ công dành cho những ngày lễ, hội có hương vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng  từ nguồn lâm, thổ, thuỷ sản phong phú của miền đất hào phóng này qua bàn tay chế biến tài hoa, khéo léo được trao truyền từ  ngàn xưa đến hôm nay…

…Mùa nào thứ nấy, người Thái đãi khách bằng sản vật, như: măng đắng, rượu ngon, rau cải ngồng, rau dớn, rau ban... chấm với gia vị chéo, đậm đà vị cay của ớt, riềng, mặn của muối, hương thơm của hạt, của rau. Những món ăn dân dã, tưởng như đơn giản  mà lại rất tinh tế, thấm đậm chất nhân văn và những phong tục nơi đây đã tạo nên cho một vùng đất này một sức hút mãnh liệt với du khách trong ngoài nước..
Đến Điện Biên là đến với tiếng chiêng, tiếng trống gọi mời ta cùng nhau bước vào vòng xoè, người già người trẻ, con gái, con  trai, vòng xòe không ngừng mở rớp trong, lớp ngoài. Bao tấm lòng xao xuyến bồi hồi khi được “ tay trong tay”. Sau hội xòe, trở lại với cuộc sống đời thường chúng ta thấy yêu cuộc đời hơn. Chắc chắn khi ra về ta sẽ cảm thấy thú vị, mãn nguyện và đôi chút bang khuâng lưu luyến về tình đất, tình người nơi đây. Đúng như một thi sĩ đã viết về người Thái ở Điện Biên:
Khăn piêu, xôi nếp, hoa ban
Ngọt ngào hương sắc đại ngàn Điện Biên.
Và thêm một phần làm nên Điện Biên say đắm, mặn nồng trong lòng dân cả nước và bè bạn năm châu là nét bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, hoà quyện trong một nền văn hóa thống nhất cùng tôn trọng, cùng sinh tồn bổ sung cho nhau và cùng phát triển của đồng bào 21 dân tộc sinh sống tại nơi đây để cùng nhau xây dựng một Điện Biên đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế văn hoá, xã hội. Trong rất nhiều thành tựu ấy, bước đầu Điện Biên đã tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng và giá trị cao, như: chè, ngô, gấc, cà phê, đậu tương... và trong tương lai là sản phẩm cao su mang thương hiệu Điện Biên và biết bao sản phẩm công, nông nghiệp nữa sẽ tiếp tục có thương hiệu của miền đất này.
Trên con đường đi tới hôm nay, ta trân trọng và nâng niu những dấu ấn của các thời kỳ dựng nước và giữ nước của cha ông ta, dấu ấn của một thời “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, chúng ta tin tưởng bước tiếp con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn để làm sao trong tương lai con cháu chúng ta có quyền tự hào về một Điện Biên rạng ngời thời đổi mới và hội nhập…
Bài: trích từ blog "Păng Pơi trong xanh".
Ảnh: blog "Chọn việc nhẹ nhàng"


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét