Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Tào lao phương ngữ Bắc- Nam


Mình là người miền Trung, lại ở mãi trên vùng núi. Cái dạo nổi hứng chu du muốn ra Bắc vào Nam một chuyến. Thế là mình nhận được một số thông tin tư vấn về cách ăn cách nói cách hiểu khi vào trong Nam . Xin mạn phép chia sẻ ra đây, có gì sai sót hoặc thiếu thừa gì mong bà con xa gần chỉ giáo thêm…



- Thấy cái gì không bình thường, ta hay nói là "kỳ lạ". Khi đem chia nhau, miền Bắc sẽ gọi là "lạ", còn ở miền Nam thì gọi là "kỳ". Nhưng khi nghe thấy người ta gọi Bắc Kỳ và Nam Kỳ thì bạn cứ yên tâm, không có gì "kỳ lạ" ở đây cả. Bạn còn phát hiện ra có một số cặp từ khác cũng được phân chia công bằng cho cả 2 miền, ví như "hình/ ảnh", "té/ ngã" v.v…

- Bạn sẽ thấy có một điều hơi khó hiểu ở đây. Đấy là khi bạn hỏi mua một chục quả xoài chẳng hạn, người bán sẽ đưa cho bạn 12 quả. Nhưng nếu bạn nói với họ rằng một năm có một chục tháng, thì họ lắc đầu tội nghiệp cho rằng bạn đã đếm sai…

- Đi đâu cũng vậy, dù xa hay gần cũng phải cần đến cái sự ăn uống. Nếu bạn vào quán để ăn một bát phở sáng, thì bạn sẽ có cơ chết đói, trong khi ở quanh bạn người ta xì xụp xơi hết tô hủ tiếu này đến tô hủ tiếu khác. Vậy nên bạn cũng được khuyên rằng, đã vào đây thì chỉ nên ăn hủ tiếu thôi, đừng bao giờ nghĩ đến chuyện ăn phở. Thế là cái câu thơ vui trong bài "Bồ và vợ" sẽ được đọc lại như sau: "Bồ là hủ tiếu tuyệt vời; Vợ là cơm nguội đáy nồi hẩm hiu"…

- Trong đó chẳng có ông bạn rượu nào mời bạn đi đánh chén cả. Bù lại, bạn vẫn có thể đi nhậu với họ. Nếu họ rót cho riêng bạn một bát rượu thật đầy thì bạn cứ yên tâm mà uống, không sợ say vì ở đây người ta gọi "bát rượu" là "chén rượu". Thêm nữa, nếu thấy đám bạn nhậu nâng ly và hô "Vzô! Vzô!" thì bạn nên hô theo họ; kẻo bạn cứ theo lối Bắc Kỳ mà hô "Vào! Vào!" một mình thì họ lại nghĩ rằng bạn đang bị ám ảnh bởi bàn thắng thua trong trận bóng đá nào đó…

- Nếu lỡ phải đem xe máy đi sửa, khi dắt ra khỏi tiệm bạn chợt phát hiện ra xe máy của bạn bị đánh tráo quá nhiều bộ phận? Bạn cứ yên tâm đi, không có gì là lừa đảo ở đây cả. Anh thợ sửa xe sẽ giải thích cho bạn rằng, cái phanh đã được thay thế bằng "cái thắng", vành xe được thay bằng "cái niềng", lốp xe được thay bằng "cái vỏ", còn vị trí săm xe thì họ nhét một "cái ruột" vào trong đó, v.v…

- Về chốn thôn quê, nếu bạn nhờ mua một con ngan về làm mồi nhậu thì họ sẽ đem về cho bạn một con vịt xiêm; ngược lại, khi bạn nhờ mua một con vịt để đánh tiết canh thì chắc chắn bạn sẽ chỉ có bát tiết của một con ngan xiêm. Vậy nhưng nếu bạn gọi "đầu" là "phao câu" thì sai to…

- Với bấy nhiêu đó, bạn chỉ còn thiếu nước kêu lên: "Trời ơi, sao mà rắc rối!" Chưa đâu bạn nhé! Vì mình vừa chợt nhớ là có 2 từ "yêu/ thương" cũng được chia đều cho cả 2 xứ Bắc và Nam . Ừ đúng, xứ Bắc thì nói "yêu nhau", trong khi xứ Nam thì nói "thương nhau", dùng từ nào nghe cũng thấy ngọt ngào, dạt dào, rung động. Để cho chắc chắn và khỏi quên, bạn sẽ cứ phải nhắc đi nhắc lại rằng "yêu là thương, thương là yêu", thế là thuộc làu làu. Thuộc đến nỗi, hôm gặp cô bạn gái, bạn định bày tỏ một câu "Em thật là đáng yêu"- nhưng cứ theo đà của bài học thuộc lòng nên bạn buột miệng nói "Em thật là đáng thương"… Với cô bạn thứ hai, định nói "Em dễ thương lắm" thì lại nói thành "Em dễ yêu lắm"… Rắc rối của bạn bắt đầu từ đây!...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét